Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Ồ, có gì đâu con!


Khi tôi ẵm đứa cháu nội về nuôi thì nó vừa thôi nôi. Nó chưa nói được tiếng nào, ít cười lại hay khóc nhè. Trông nó ốm yếu và nhút nhát lắm.
Điều đó cũng dễ hiểu. Nó là đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng quê còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm nuôi con, ngày ngày đi làm trong khu chế xuất, tối mịt mới về thì con đã ngủ say. Cháu tôi lại được giao cho một bé gái quê trông coi và cả hai luôn bị nhốt kín trong phòng trọ.
Một đêm vợ tôi đột ngột tắt đèn tối thui. Cháu tôi sợ, ôm tôi khóc thét lên. Tôi vỗ về cháu và bảo: “Ồ! Có gì đâu con”. Cháu yên tâm dần. Tôi ẵm cháu đến bên công tắc đèn, mở cho đèn sáng lên rồi chỉ cháu. Tôi tắt, rồi lại mở, rồi lại chỉ lên đèn. Tôi nói thật to: “Đèn, đèn”. Lặp đi lặp lại năm bảy lần trong năm ba ngày như thế, cháu không còn sợ nữa mà lại cười. Từ đó mỗi lần ẵm cháu ngang qua công tắt đèn, cháu đòi mở và tắt cho bằng được, rồi cười híp mắt (lẽ dĩ nhiên công tắt điện phải thật an toàn). Từ đó mỗi lần tôi nói “Đèn, đèn” cháu quay nhìn về cái đèn và cái công tắt. Thì ra cháu đã biết nghe tiếng “đèn”.
Nhà tôi không có quạt máy, một hôm tôi ẵm cháu sang nhà hàng xóm chơi, thấy cái quạt trần quay tít, cháu sợ. Tôi cũng đến bên công tắt, dạy cháu tắt - mở như đã dạy mở đèn. Mỗi lần cháu mở hoặc tắt (thật ra cháu chỉ sờ tay thôi, còn mở tắt là do tôi), thấy quạt quay hay ngừng là cháu vui ra mặt. Tôi nói “quạt, quạt” để dạy cháu “nghe”.

Một hôm, ông bạn tôi đến chơi, cháu tôi sợ, ôm tôi cứng ngắt, mắt nhắm nghiền, rúc đầu vào lòng tôi để trốn. Tôi vỗ nhè nhẹ vào lưng cháu và nói nhỏ: “Ồ! Có gì đâu con. Ông, ông mà!”. Đứa bé hé mắt nhìn. Tôi ẵm nó đến gần khách, nhờ ông bạn vuốt ve nựng nịu nó. Ít ngày sau nó cười vui khi thấy bạn tôi đến chơi. Tôi nựng cháu và lặp lại nhiều lần: “Ông, ông”.
Rồi một hôm, cũng ông bạn ấy đến chơi nhưng lại đeo kính lão. Cháu tôi lại sợ như trước. Tôi lại vỗ về và lặp lại câu nói: “Ồ! Có gì đâu con. Ông, ông”. Tôi bảo bạn tôi gỡ kính ra. Cháu tôi nhìn ông ấy trân trối. Tôi mượn kính bạn đeo vào mắt tôi, tôi cười đùa với cháu. Tôi lại đeo vào mắt cháu. Lúc đầu cháu hơi sợ nhưng sau có vẻ thích chí. Từ đó, mỗi lần ông bạn tôi đến chơi, tôi nhờ ông bạn tôi ẵm cháu; lúc đầu nó cũng sợ nhưng sau quen dần, nó còn đưa tay gỡ kính của bạn tôi rồi cười toe toét. Cũng từ đó, mỗi lần tôi nói “Ông, ông” thì cháu quay ra cửa tìm. Để cháu dạn dĩ, thỉnh thoảng tôi ẵm cháu sang các nhà hàng xóm chơi. Năm ba lần, cháu không còn sợ người lạ nữa.
Lúc đầu, mỗi lần tắm, cháu tôi rất sợ. Tôi tập cho cháu đùa nghịch với nước, cháu quen dần. Cháu sợ chó, mèo, tôi cũng tập cho cháu làm quen, vuốt ve chúng; sau cháu không còn sợ nữa. Mỗi lần thấy cháu sợ điều gì đó tôi luôn nói: “Ồ! Có gì đâu con”. Ngay cả sau này, cháu biết đi, mỗi lần té, cháu hay khóc; lúc đầu tôi chạy lại đỡ cháu và bảo: “Ồ! Có gì đâu con”; sau không cần đỡ nữa mà chỉ bảo: “Ồ! Có gì đâu con” là cháu hết sợ và lòm còm đứng dậy.
Hồi đó, thường thì mỗi lần ba cháu đi làm về, tôi ẵm cháu ra đón và nói lớn “Ba, ba”. Không ngờ chưa đầy một tháng sau, cháu tôi đã bặp bẹ được mấy tiếng “ba, ba” rồi cũng bặp bẹ luôn mấy tiếng mà tôi dạy cháu “nghe” từ trước. Lúc đầu thì cháu nói được những tiếng không dấu hoặc dấu huyền như: ba, cơm, đèn, gà, bò…; dần dần cháu nói được các tiếng có dấu sắc, dấu nặng như: chó, nước, mẹ mẹ…
Tóm lại, để trẻ dạn dĩ nên tập cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh (lẽ dĩ nhiên môi trường đó phải an toàn), đồng thời phải biết động viên mỗi lần thấy trẻ nhút nhát, sợ sệt bằng một câu gì đó ngắn gọn, thích hợp, đừng thay đổi; chẳng hạn như câu “Ồ! Có gì đâu con” của tôi. Tập dạy cháu “nghe” rồi tập cho cháu nói từng tiếng một. Nên nhớ là cháu biết nghe và hiểu được từ rất sớm; có người còn khẳng định trẻ biết nghe khi còn trong bụng mẹ.
Nuôi dạy trẻ là một khoa học và nghệ thuật mà theo kinh nghiệm bản thân của tôi, những cặp vợ chồng trẻ dù có tìm hiểu và học hỏi trên lý thuyết đến đâu đi nữa cũng vẫn lúng túng khi va vào thực tế. May ra những kinh nghiệm nhỏ nhoi này có giúp gì cho các bạn ấy không…
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét